Hướng Dẫn Chi Tiết Cách Chăm Sóc Cây Sầu Riêng Sau Thu Hoạch
26 Jul 2024
Sau khi thu hoạch xong, cây sầu riêng trở nên yếu và cần được chăm sóc kỹ lưỡng, cẩn thận. Chính vì vậy, bà con cần chăm sóc sầu riêng theo phương pháp khoa học để đảm bảo năng suất cho vụ mùa sau. Trong bài viết dưới đây, Baconco sẽ hướng dẫn chi tiết cách chăm sóc sầu riêng sau thu hoạch để bà con tham khảo và áp dụng.
Tại sao cần chăm sóc sầu riêng sau thu hoạch?
Chăm sóc cây sầu riêng sau thu hoạch là điều vô cùng quan trọng bởi:
- Cây bị suy yếu: Cây sầu riêng sử dụng rất nhiều dinh dưỡng để nuôi trái, khiến cây bị suy yếu.
- Giúp phục hồi cây: Để cây sầu riêng ra nhiều trái, nhiều nhà vườn đã áp dụng các biện pháp để kích thích cây ra hoa, ngăn chặn đọt phát triển, giảm rụng trái,... quá liều. Điều này dẫn đến tình trạng cây có sức chống chịu kém, dễ bị sâu bệnh và sụt giảm năng suất mùa màng.
- Chuẩn bị cho vụ thu hoạch tiếp theo: Sau khi thu hoạch, cây cần thời gian để tích lũy dưỡng chất cho vụ mùa mới và điều này cần phải bắt đầu ngay sau khi thu hoạch.
- Tăng hiệu quả kinh tế: Cây khỏe mạnh, được chăm sóc đúng cách sẽ cho trái to, chất lượng tốt, mang lại lợi nhuận kinh tế cho người trồng.
- Kéo dài tuổi thọ của cây: Chăm sóc cây sau thu hoạch giúp cây phục hồi sức khỏe, phát triển tốt, kéo dài tuổi thọ, mang lại hiệu quả kinh tế lâu dài.
Vườn sầu riêng được chăm sóc sau thu hoạch với cơi đọt xanh, lá dày, hết bị cháy lá
Những nguyên nhân khiến cây sầu riêng phục hồi chậm sau thu hoạch
Sau vụ thu hoạch, cây sầu riêng dù đã được chăm sóc cẩn thận nhưng không có hiệu quả, dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến:
- Thiếu dinh dưỡng: Cây không hấp thụ đủ dinh dưỡng cần thiết do bón phân không đúng thời điểm, liều lượng và loại phù hợp, đất trồng bị thoái hóa, thiếu các chất hữu cơ,...
- Thời tiết khắc nghiệt: Nắng nóng, mưa nhiều, gió bão, hạn hán,... ảnh hưởng đến sự phát triển của cây, khiến cây khó phục hồi.
- Môi trường bị ô nhiễm: Yếu tố không khí, nước, đất, ánh sáng,... ảnh hưởng đến sức khỏe của cây.
- Sâu bệnh tấn công: Cây bị sâu bệnh tấn công sau thu hoạch làm suy yếu, cản trở quá trình phục hồi của cây.
- Kỹ thuật chăm sóc chưa đúng: Cắt tỉa cành không đúng cách, bón phân chưa hợp lý, thiếu nước,... khiến cây khó phục hồi.
- Giống cây: Do giống cây có sức khỏe kém, dẫn đến việc cây dễ bị bệnh và chậm phục hồi.
- Cây già: Cây già có sức sống yếu, khả năng phục hồi chậm hơn cây trưởng thành.
Cây sầu riêng thiếu Magie
Cách chăm sóc cây sầu riêng sau thu hoạch
Việc bón phân cho cây sầu riêng ngay sau thu hoạch có thể dẫn đến lãng phí phân bón vì lúc này cây không thể hấp thu chất dinh dưỡng ngay lập tức. Nông dân nên thực hiện làm sạch vườn bằng cách cắt tỉa cành, rửa cây và cải tạo đất trong vòng 7 - 10 ngày, sau đó mới tập trung bắt đầu bón phân.
Bước 1: Cắt tỉa cành
Cắt tỉa cành sau thu hoạch sầu riêng là một kỹ thuật quan trọng giúp cây phục hồi, khỏe mạnh và cho năng suất tốt hơn trong những vụ sau. Tỉa cành có tác dụng như sau:
- Giúp cây tập trung dinh dưỡng vào các cành khỏe mạnh, tăng cường sức sống cho cây
- Ngăn chặn sự lây lan của sâu bệnh sang các cành khác, bảo vệ cây khỏi bị bệnh nặng
- Giúp cây quang hợp hiệu quả hơn, phục hồi nhanh hơn và tăng năng suất
Nguyên tắc tỉa bỏ cành:
- Cành sâu, bệnh
- Cành khô, già, ốm yếu
- Cành vượt che khuất ánh sáng, cành mọc trong tán
- Cành còn dư cuống trái, cành giao tán
- Cành sát mặt đất 1m
Bước 2: Rửa sạch cây
Khi thu hoạch, thợ hái sầu riêng di chuyển từ cây này qua cây khác để cắt trái khiến sâu bệnh dễ lây lan. Việc rửa sạch cây sau thu hoạch rất quan trọng bởi vì:
- Tạo môi trường thông thoáng, sạch sẽ cho cây
- Hạn chế nấm mốc và mầm bệnh lây lan
Cách thực hiện:
- Vườn có khả năng bị nấm bệnh thấp: Dùng vôi bột pha nước phun ướt đẫm toàn bộ cây, có thể kết hợp quét nước vôi vào thân chính của cây sầu riêng từ mặt đất lên khoảng 1m để ngăn ngừa sâu bệnh tấn công.
- Vườn có nhiều bệnh (nấm hồng, đốm rong,…): Kết hợp thuốc SUPER ARMOR với THE RICE STAR để phun toàn bộ cây. Có thể phun lặp lại sau 5-7 ngày nếu cây nhiễm bệnh nặng.
Sau đó, bà con cần làm sạch vườn sầu riêng bằng cách thu gom cỏ dại, lá cây rụng, trái rụng xung quanh gốc.
Bước 3: Cải tạo đất
Trước khi thu hoạch, nhà nông cần sử dụng rất nhiều phân bón, đồng thời hạn chế tưới nước khiến mặt đất trở nên khô cứng, khả năng hấp thụ nước kém.
Vì vậy, bà con cần cải tạo đất để tăng khả năng hấp thu dinh dưỡng cho cây sầu riêng nhanh chóng phục hồi, bộ rễ phát triển.
Cách thực hiện:
- Xới nhẹ bề mặt đất lên, lưu ý tránh làm tổn thương rễ sầu riêng
- Tưới nước vôi: nâng độ pH đất, phòng trừ sâu bệnh
- Đối với vườn bị nấm bệnh nhiều: thực hiện xử lý bệnh cho cây trước. Nếu cần thiết, bà con có thể tưới thêm nước vôi sau 1 tuần phun thuốc.
Bước 4: Bón phân và nuôi cơi đọt
Từ thời điểm sau thu hoạch đến khi ra bông, cây sầu riêng thường ra 3 cơi ngọn. Nếu được chăm sóc chu đáo, cứ 45 ngày cây sẽ phát triển một cơi ngọn. Như vậy, cây mới đủ năng suất cho mùa vụ sau.
Sau 7 - 10 ngày làm sạch vườn, bà con bón phân hữu cơ ORGANICONCO với liều lượng 500-1500 kg/ha/lần (có thể kết hợp với phân NPK) để giúp cây hấp thu các chất dinh dưỡng từ đất, cải thiện cấu trúc đất, làm đất tơi xốp, tăng khả năng giữ ẩm.
Sau khi cây ra đọt non (nhú mũi giáo), sử dụng phân bón lá Supertan Xanh với liều lượng 10-15 g/bình 8 lít, nhằm thúc đẩy cây ra chồi mới, đọt mới nhanh, nuôi dưỡng và bảo vệ lá cho cây, giúp cây tạo ra bộ lá mới khỏe, chất lượng.
Vườn sầu riêng cần được dọn dẹp sau thu hoạch
Những lưu ý khi chăm sóc cây sầu riêng
Khi chăm sóc sầu riêng sau thu hoạch, bà con cần lưu ý những điều sau đây:
- Cần theo dõi tình trạng sức khỏe của cây thường xuyên, đảm bảo cây sầu riêng phục hồi tốt, không nhiễm sâu bệnh, lá xanh, cứng cáp, khỏe mạnh.
- Nên bón phân cách gốc sầu riêng khoảng 40cm, tránh bón phân quá sát rễ để không ảnh hưởng đến sức khỏe bộ rễ.
- Nên áp dụng phương pháp chăm sóc phù hợp với điều kiện khí hậu, đất đai và giống cây trồng.
- Khi sử dụng bất kỳ sản phẩm hóa học nào cho cây, bà con cần lưu ý sử dụng bón đúng liều lượng và hướng dẫn sử dụng mà nhà sản xuất khuyên dùng.
- Cần tham khảo ý kiến của các chuyên gia nông nghiệp để tìm ra phương pháp chăm sóc cây sầu riêng phù hợp nhất.
- Không ngừng cập nhật những kỹ thuật tân tiến khả thi để làm nông một cách khoa học, đúng đắn.
Lá sầu riêng xanh, cứng cáp, khỏe mạnh
Sầu riêng là loại cây ăn trái có hiệu quả kinh tế cao, nhu cầu thị trường lớn nhưng lại khó chăm sóc. Để vườn sầu riêng hồi phục sau thu hoạch, đảm bảo thu hoạch cho vụ mùa tiếp theo, tuổi thọ kéo dài đòi hỏi nhà vườn phải có phương án đầu tư dài hạn, kỹ thuật chăm sóc đúng để cây có thể phát triển và cho năng suất cao trước tình hình thời tiết cực đoan như hiện nay.
Lượt xem
679