Tình Hình Thị Trường Xuất Khẩu Sầu Riêng Việt Nam
06 Aug 2024
Thị trường sầu riêng trở nên sôi động hơn bao giờ hết khi Việt Nam xuất khẩu sầu riêng sang các thị trường lớn của thế giới như Trung Quốc, Thái Lan,... Trong bài viết sau, hãy cùng Baconco tìm hiểu về thị trường sầu riêng Việt Nam và cơ hội, thách thức mà loại “trái cây vua” cần vượt qua để mở rộng thị trường hơn nữa.
Tổng quan thị trường sầu riêng Việt Nam
Thị trường sầu riêng Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, trở thành một trong những quốc gia sản xuất hàng đầu thế giới. Theo ước tính, tổng diện tích canh tác sầu riêng năm 2024 đạt khoảng 150.000 ha, sản lượng dự kiến là 1,5 triệu tấn. Các vùng trồng sầu riêng tập trung ở khu vực Đông Nam Bộ và Tây Nguyên.
Thị trường tiêu thụ nội địa của sầu riêng khá lớn. Tuy nhiên, xuất khẩu mới chính là động lực thúc đẩy sự tăng trưởng vượt bậc của ngành trồng và chế biến sầu riêng Việt Nam. Theo Bộ NN-PTNT, sầu riêng Việt Nam đang xuất khẩu sang 22 quốc gia và vùng lãnh thổ. Từ tháng 7/2022, Việt Nam chính thức xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang Trung Quốc, đạt kim ngạch 190 triệu USD. Con số trên liên tục tăng cao qua các năm và được các chuyên gia dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ do nhu cầu tiêu thụ sầu riêng tăng cao của thị trường tỷ dân.
Sầu riêng được bày bán phổ biến mỗi khi đến vụ thu hoạch
Những thị trường xuất khẩu sầu riêng chủ lực
Sầu riêng Việt Nam đã và đang chinh phục thành công 22 quốc gia và vùng lãnh thổ. Dưới đây là những thị trường xuất khẩu sầu riêng mũi nhọn của Việt Nam:
Trung Quốc
Trung Quốc là thị trường nhập khẩu sầu riêng lớn nhất của Việt Nam. Theo Hiệp hội rau quả Việt Nam, trong nửa đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc đạt 1,22 tỷ USD, chiếm 92,4% tổng kim ngạch xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam.
Sầu riêng Việt Nam được người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng bởi hương vị thơm ngon, chất lượng tốt, giá cả cạnh tranh và khả năng sản xuất sầu riêng trái vụ. Bên cạnh đó, lợi thế về đường vận chuyển ngắn cũng góp phần thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng đặt ra yêu cầu cao về truy xuất nguồn gốc, kiểm dịch thực vật và chất lượng sản phẩm.
Thái Lan
Thái Lan là quốc gia nhập khẩu sầu riêng lớn thứ hai từ Việt Nam. Trong 6 tháng đầu năm nay, Thái Lan đã chi 47 triệu USD để nhập khẩu sầu riêng từ Việt Nam, tăng 90,5% so với cùng kỳ năm trước. Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (VINAFRUIT),Thái Lan nhập khẩu sầu riêng đông lạnh từ Việt Nam chủ yếu để tái xuất khẩu sang các thị trường khác và làm nguyên liệu chế biến bánh kẹo.
Các thị trường mới nổi
Bên cạnh hai thị trường chính, Nhật Bản và Campuchia cũng tăng cường nhập khẩu sầu riêng Việt Nam. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng sang Nhật Bản đạt gần 2,7 triệu USD và Campuchia đạt gần 1,7 triệu USD, tăng lần lượt gấp 2 lần và 23 lần so với năm ngoái.
Sầu riêng được thu hoạch và vận chuyển khỏi vườn
Cơ hội và thách thức của sầu riêng Việt Nam trên thị trường quốc tế
Thị trường quốc tế mở ra những cơ hội phát triển lớn cho ngành sầu riêng Việt Nam, nhưng đồng thời cũng tồn tại không ít thách thức:
Cơ hội
Thị trường tiêu thụ lớn
Sầu riêng là loại trái cây được ưa chuộng ở nhiều quốc gia châu Á, đặc biệt là Trung Quốc - thị trường nhập khẩu sầu riêng lớn nhất thế giới. Từ 2022 đến nay, nhu cầu tiêu thụ sầu riêng toàn cầu tăng mạnh do nhu cầu mua trái sầu riêng của người tiêu dùng Trung Quốc. Theo dự báo, nhu cầu của thị trường này sẽ tiếp tục tăng lên.
Hiệp định thương mại tự do (FTA) mở ra cánh cửa thị trường
Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định thương mại với các đối tác quan trọng, trong đó có các thị trường tiềm năng cho sầu riêng như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc,... Các thỏa thuận trên đã giúp giảm thiểu hàng rào thuế quan, tạo điều kiện thuận lợi cho sầu riêng Việt Nam mở rộng cơ hội kinh doanh sầu riêng trong thương trường quốc tế.
Lợi thế về điều kiện tự nhiên
Việt Nam có khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi cho việc trồng sầu riêng chính vụ và trái vụ. Bên cạnh đó, nguồn lao động dồi dào và chi phí sản xuất cạnh tranh cũng là lợi thế giúp sầu riêng Việt Nam có thể cạnh tranh về giá cả trên thị trường quốc tế.
Việt Nam có khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi cho việc trồng sầu riêng
Thách thức
Yêu cầu khắt khe về chất lượng và an toàn thực phẩm
Các thị trường phát triển như EU, Nhật Bản, Mỹ,... đều đặt ra tiêu chuẩn rất cao về chất lượng, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc. Việc đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn này là một thách thức lớn đối với ngành sầu riêng Việt Nam nói riêng và nông sản Việt Nam nói chung.
Phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc
Hiện nay, sầu riêng Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc. Việc quá phụ thuộc vào thị trường này khiến ngành sầu riêng Việt Nam dễ bị tác động khi có sự thay đổi về chính sách và giá, ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của người nông dân và doanh nghiệp. Ngoài ra, Trung Quốc đang đầu tư tự sản xuất sầu riêng. Khi Trung Quốc có thể sản xuất sầu riêng, Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn để cạnh tranh tại thị trường này.
Cạnh tranh gay gắt từ các quốc gia xuất khẩu sầu riêng khác
Malaysia và Thái Lan là những quốc gia xuất khẩu sầu riêng lâu năm có thương hiệu mạnh. Để cạnh tranh với các đối thủ này, sầu riêng Việt Nam cần có chiến lược phát triển bền vững nhằm nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu và mở rộng thị trường tiềm năng.
Chuỗi cung ứng chưa hoàn thiện
Chuỗi hệ thống logistics và bảo quản sau thu hoạch của Việt Nam còn nhiều hạn chế. Việc vận chuyển dài ngày, thiếu kho lạnh đạt chuẩn, kỹ thuật bảo quản chưa tốt khiến sầu riêng dễ bị dập nát, hư hỏng, giảm chất lượng sản phẩm khi đến tay người tiêu dùng.
Chuỗi hệ thống logistics Việt Nam còn nhiều hạn chế
Giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cho sầu riêng Việt Nam
Để sầu riêng Việt Nam vươn xa hơn trên thị trường quốc tế, việc nâng cao năng lực cạnh tranh là yếu tố then chốt. Dưới đây là một số giải pháp cần tập trung triển khai:
- Nâng cao chất lượng và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm
- Ứng dụng công nghệ vào sản xuất: Sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP,... giúp kiểm soát tốt dịch bệnh, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.
- Đầu tư hệ thống truy xuất nguồn gốc: Xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc minh bạch, giúp người tiêu dùng dễ dàng theo dõi được thông tin của sản phẩm, nâng cao uy tín của thương hiệu sầu riêng Việt Nam.
- Đa dạng hóa sản phẩm: Nghiên cứu và lai tạo các giống sầu riêng mới có chất lượng cao, phù hợp với thị hiếu của từng thị trường, đồng thời phát triển các sản phẩm chế biến từ sầu riêng như bánh kẹo, đồ sấy khô,...
- Xây dựng thương hiệu và quảng bá sản phẩm:
- Đầu tư cơ sở hạ tầng logistics: Nâng cấp hệ thống kho bãi, vận chuyển, bảo quản sau thu hoạch, giảm thiểu tối đa tình trạng hư hao, đảm bảo chất lượng sầu riêng.
- Ứng dụng công nghệ blockchain trong truy xuất nguồn gốc: Giúp nâng cao tính minh bạch, tin cậy cho chuỗi cung ứng sầu riêng, tạo thuận lợi cho việc xuất khẩu sang các thị trường khó tính.
- Hỗ trợ từ Chính phủ và các cơ quan chức năng:
- Đàm phán mở cửa thị trường: Tăng cường đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại tự do với các thị trường tiềm năng, tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu sầu riêng.
- Mở rộng cầu nối, giúp doanh nghiệp tiếp cận thông tin, thị trường: Cung cấp thông tin, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các hội chợ, triển lãm quốc tế để quảng bá sản phẩm.
- Ban hành chính sách hỗ trợ phát triển ngành sầu riêng: Có chính sách hỗ trợ về vốn, đất đai, khoa học công nghệ... cho các doanh nghiệp, hộ nông dân sản xuất, kinh doanh sầu riêng.
Chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm là yếu tố quyết định để xuất khẩu sầu riêng
Việt Nam sở hữu điều kiện tự nhiên ưu đãi, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển kinh tế nông nghiệp, trong đó sầu riêng là một ví dụ điển hình. Bên cạnh sầu riêng, nhiều loại nông sản khác của Việt Nam cũng có triển vọng xuất khẩu mạnh mẽ. Để tận dụng tối đa tiềm năng này, cần có sự chung tay góp từ nhiều phía, bao gồm sự hỗ trợ chính sách từ Chính phủ, doanh nghiệp và sự chủ động ứng dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao chất lượng sản phẩm từ phía người nông dân.
Lượt xem
707