Các Loại Cỏ Dại Thường Gặp Trên Ruộng Lúa Và Cách Xử Lý

30 Jul 2024

Việc kiểm soát cỏ dại trên ruộng lúa rất quan trọng trong quá trình canh tác. Người nông dân không thể sản xuất lúa một cách có hiệu quả kinh tế nếu không có kế hoạch diệt cỏ kỹ càng. Trong bài viết này, Baconco sẽ giới thiệu những loại cỏ dại thường gặp và cách xử lý chúng để giúp bà con có mùa màng bội thu.

 

Cỏ dại trên ruộng lúa có tác hại gì?

Dưới đây là một số tác hại của cỏ dại đối với cánh đồng lúa:

Ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của lúa

Bộ rễ của cỏ dại thường phát triển mạnh, phân bố ở lớp đất mặt. Từ đó, cỏ dại dễ dàng sinh trưởng và cạnh tranh với cây lúa về dinh dưỡng, ánh sáng,... khiến lúa kém phát triển, còi cọc, sản lượng thấp.

Chứa nhiều mầm bệnh

Cỏ dại là nơi trú ngụ của nhiều loại sâu bệnh có hại như: bệnh đạo ôn, bạc lá, khô vằn, sâu cuốn lá, bọ trĩ,... Chúng phát triển và chờ đến thời điểm thuận lợi sẽ bùng phát và lây lan khắp ruộng.

Gây tốn kém

Cỏ dại có sức sống mãnh liệt, phát triển nhanh khiến người nông dân tốn nhiều thời gian và chi phí để diệt trừ cỏ bằng việc sử dụng thuốc trừ cỏ, nông cụ, nhân công,...

Ruộng lúa với nhiều loại cỏ dại

 

Các loại cỏ dại thường gặp trên ruộng lúa

Có nhiều cách để phân loại cỏ dại như sau: 

  • Dựa theo thời gian sinh trưởng: 
    • Cỏ một năm: Gồm các loại cỏ sống khoảng 1 - 2 mùa canh tác trong năm, chúng thường chết sau khi ra hạt.
    • Cỏ lâu năm: Là những loại cỏ sống lâu hơn một năm. Chúng thường bò trên mặt đất, có thân và rễ chắc khỏe, khả năng sinh sản vô tính mạnh, khó diệt trừ.
  • Dựa theo hình dạng: Gồm cỏ lá rộng (cỏ hai lá mầm) và cỏ lá hẹp (cỏ một lá mầm).
  • Dựa vào đặc điểm sinh trưởng: 
    • Nhóm cỏ hòa bản: Có lá hẹp, dài, thân tròn, rỗng ruột, lá mọc cách, rễ thường là rễ chùm, ăn nông. Các loại cỏ hòa bản thường gặp: Cỏ lồng vực nước (cỏ gạo), cỏ đuôi phụng, cỏ mồm, cỏ chỉ nước, cỏ túc,...
    • Nhóm cỏ chác lác: Lá hẹp, ngắn hơn cỏ hòa bản, thân thường đặc ruột và có góc cạnh tam giác, lá xếp theo ba hàng kiểu xoắn ốc.Các loại cỏ chác lác thường gặp: Cỏ chác, cỏ cháo, cỏ lác rận, cỏ năng ngọt,...
    • Nhóm cỏ lá rộng: Có thân lá rộng, mọc đối, gân lá sắp xếp theo nhiều kiểu hình khác nhau, thường là rễ cọc ăn sâu vào lòng đất. Các loại cỏ lá rộng thường gặp: Cỏ xà bông, rau mương, rau mác thon, rau dừa nước, lục bình,...

3 nhóm cỏ dại thường gặp trên ruộng lúa

 

Cách xử lý cỏ dại trên ruộng lúa

Dưới đây là những phương pháp phổ biến để xử lý cỏ dại thường gặp trên ruộng lúa:

Phòng ngừa cỏ dại xâm nhập vào ruộng lúa 

Dưới đây là một số cách phòng ngừa cỏ dại xâm nhập như sau:

  • Loại bỏ hạt cỏ: Nhiều loài cỏ dại chín cùng lúc với lúa, hạt của chúng lẫn vào hạt lúa, cần phải loại bỏ toàn bộ hạt cỏ lẫn tạp để tránh cho cỏ gây hại cho đồng lúa. Đối với hạt giống mua, bà con cần chọn những nơi có nguồn gốc uy tín, hạt giống được sàng chọn kỹ càng. 
  • Khơi thông mương nước: Nguồn nước tưới tiêu được dẫn vào ruộng lúa qua hệ thống mương. Nếu đường mương không được tu sửa, dọn dẹp thường xuyên, cỏ dại sẽ mọc nhiều và nước chảy qua sẽ cuốn theo giống cỏ dại vào ruộng lúa.
  • Vệ sinh đồng ruộng: Trước khi gieo mạ, bà con cần làm sạch cỏ, đắp bờ cẩn thận để ngăn ngừa cỏ dại lây lan.
  • Xử lý phân chuồng: Hạt của nhiều loài cỏ dại không bị tiêu hóa khi bị gia súc ăn. Do đó, trước khi sử dụng phân cần ủ kỹ hoặc trộn thuốc hóa học vào để diệt mầm cỏ. 

Mương nước được khơi thông và dọn dẹp sạch sẽ

Làm đất 

Làm đất kỹ giúp loại bỏ cỏ dại trước khi gieo sạ, tạo điều kiện thuận lợi cho cây lúa mọc mầm, sinh trưởng và phát triển. Cày đất kỹ cũng giúp tạo một lớp mùn mịn để gieo hạt giống, chôn vùi cỏ dại vào đất, khiến chúng trở thành chất dinh dưỡng cho cây lúa.

Phương pháp gieo trồng

Bà con sử dụng phương pháp gieo trồng như sạ khô, sạ ướt hoặc sạ ngầm tùy theo điều kiện của mình. Ở những vùng đất phèn, phương pháp sạ ngầm giúp kiểm soát cỏ tốt.

Mật độ 

Xét về mặt cạnh tranh, sạ dày sẽ áp chế cỏ dại tốt. Tuy nhiên, gieo sạ dày tốn nhiều hạt giống, công lao động và dễ khiến sâu bệnh phát triển. Vì thế, bà con cần gieo sạ với mật độ thích hợp và kết hợp với các biện pháp khác để kiểm soát cỏ dại. Hiện nay, bà con đã có thể dùng máy gieo theo hàng để vừa tiết kiệm được hạt giống vừa giúp kiểm soát cỏ dại dễ dàng hơn.

Sạ được gieo với mật độ thích hợp

Quản lý nước

Quản lý nước được xem là công cụ hữu hiệu để kiểm soát cỏ dại trên ruộng lúa nước đất thấp. Khi sử dụng nước để quản lý cỏ dại cần chú ý mực nước phải đủ ngập cỏ nhưng không ngập lúa. Quản lý nước kém sẽ góp phần làm gia tăng mật số cỏ dại, làm giảm hiệu quả của các biện pháp diệt cỏ khác và tốn nhiều thời gian trong việc quản lý cỏ dại. Để kiểm soát cỏ dại tốt, cần đảm bảo có đủ nước trong ruộng ít nhất là 30 ngày đầu sau khi gieo trồng để giảm mật số cỏ.

Thời điểm diệt cỏ 

Thời điểm diệt cỏ tùy thuộc vào nhiều yếu tố như: loại cỏ, đặc điểm sinh trưởng của lúa và cỏ, biện pháp canh tác và môi trường. Do vậy, rất khó khẳng định thời gian nào cần làm cỏ và làm cỏ mấy lần. Tuy nhiên, giai đoạn tốt nhất để diệt cỏ lúa sạ từ 10 - 20 ngày sau sạ. 

Nhổ cỏ tay 

Nhổ cỏ tay được người nông dân áp dụng phổ biến dù tốn nhiều công lao động, thời gian và tiền bạc. Nhổ cỏ tay giúp loại bỏ cỏ một cách triệt để và nhanh chóng, thích hợp với nền nông nghiệp hữu cơ.

Biện pháp hóa học 

Áp dụng thuốc hóa học để diệt cỏ là một biện pháp thực tế, hiệu quả và kinh tế. Thuốc diệt cỏ không thể thay thế hoàn toàn các biện pháp diệt cỏ khác mà phải được dùng kết hợp với chúng.

Để chọn được một loại thuốc diệt cỏ cho ruộng lúa cần tuân theo các tiêu chí sau: 

  • Thuốc diệt cỏ phải an toàn cho lúa
  • Hiệu quả diệt cỏ tốt, diệt được những loại cỏ phổ biến trên ruộng lúa
  • Sử dụng dễ dàng, thích hợp với đặc điểm và khả năng canh tác của từng ruộng
  • Giá cả thích hợp

Người dân phun thuốc diệt cỏ cho lúa

 

Những câu hỏi thường gặp khi xử lý cỏ dại

Câu hỏi 1: Khi nào là thời điểm tốt nhất để diệt cỏ dại?

Trả lời: Thời điểm tốt nhất để diệt cỏ dại trên ruộng lúa là từ 10 - 20 ngày sau khi lúa sạ mọc. Sau 20 ngày, các biện pháp diệt trừ cỏ dại vẫn còn tác dụng nhưng không đạt hiệu quả cao như trước nữa.

Câu hỏi 2: Các biện pháp diệt cỏ dại hiệu quả là gì?

Trả lời: Dưới đây là những biện pháp diệt cỏ dại hiệu quả:

  • Cơ học: Nhổ, cắt, phủ trắng bằng bạt để cắt nguồn sáng và diệt cỏ dại.
  • Hóa học: Sử dụng các loại thuốc diệt cỏ đặc hiệu và an toàn với cây trồng.
  • Sinh học: Nuôi dưỡng các loài côn trùng, động vật ăn cỏ dại.

Tuy nhiên, người nông dân cần ưu tiên sử các biện pháp phòng tránh cỏ dại xâm nhập hơn việc diệt cỏ để đạt được hiệu quả kinh tế cao hơn.

Câu hỏi 3: Có thể sử dụng phân bón để trừ cỏ dại không? 

Trả lời: Có. Sử dụng phân ure, kali giúp giúp cây tăng khả năng chống chịu sâu bệnh, trở nên cứng cáp, có tác dụng với nhiều loại cỏ và bảo vệ môi trường. Để thực hiện phương pháp trên, hãy hòa tan phân ure, phân kali và nước theo tỷ lệ 1:1:10. Sau khi hòa tan, bạn sẽ có một dung dịch phân bón dạng lỏng. Bà con có thể dùng bình phun thuốc sâu để phun hóa chất này lên khu vực cỏ cần diệt.

Dung dịch phân ure và kali có thể diệt cỏ dại

 

3 sản phẩm thuốc trừ cỏ trên lúa từ Baconco

Co-Panil 700EC

Sản phẩm Co-Panil 700EC từ Baconco là thuốc trừ cỏ chọn lọc trước và sau khi nảy mầm sớm. Thuốc kết hợp tính năng của 2 hoạt chất butachlor và propanil nên có tác dụng ức chế hoạt động sống của tế bào rất hiệu quả. Thuốc có tác dụng với đa phần các loại cỏ thuộc 3 nhóm phổ biến (cỏ hòa bản - cỏ lá rộng và cỏ chác lác).

HERBI RICE

Sản phẩm HERBI RICE là thuốc trừ cỏ chuyên trừ các loại cỏ hòa bản, lá rộng, chác lác trên ruộng lúa. Thuốc có tác dụng trừ cỏ trước và sau khi nảy mầm sớm. Thành phần chính của thuốc gồm 2 hoạt chất butachlor và propanil, hai hoạt chất trên có tác dụng tiếp xúc và lưu dẫn nên diệt cỏ rất hiệu quả.

SUPER KOSPHIT

Là thuốc trừ cỏ tiền nảy mầm: hạt cỏ mới nứt nanh - nhú mầm. Thuốc sử dụng hoạt chất pretilachlor và chất an toàn fenclorim có tác dụng nội hấp. Sản phẩm chuyên trừ hầu hết các loại cỏ mọc từ hạt trên ruộng lúa như: cỏ lồng vực, đuôi phụng, cỏ chảo, cỏ chác,... Ngoài ra, sản phẩm diệt được cả lúa cỏ, lúa rài, lúa nền. 

Sản phẩm thuốc trừ cỏ trên lúa từ Baconco

 

Trên đây là những thông tin khoa học hữu ích về các loại cỏ dại trên ruộng lúa và cách xử lý tiết kiệm, hiệu quả. Thông qua bài viết trên, Baconco mong rằng bà con đã có thêm những kiến thức thực tế để dễ dàng áp dụng, giúp quá trình sản xuất thuận lợi, mùa màng bội thu.

Lượt xem

889

Chia sẻ

  • facebook
  • youtube
  • phone