Tín Chỉ Carbon Là Gì? Tiềm Năng Phát Triển Của Thị Trường Tín Chỉ Carbon Việt Nam

26 Jul 2024

Để giảm thiểu khí thải và hạn chế sự nóng lên của Trái Đất, tín chỉ carbon đã ra đời như một biện pháp bền vững, đồng thời mở ra nhiều cơ hội và thách thức mới. Trong bài viết sau, hãy cùng Baconco tìm hiểu về tín chỉ carbon và tiềm năng phát triển của tín chỉ carbon tại Việt Nam.

 

Giới thiệu về tín chỉ carbon và thị trường tín chỉ carbon

“Tín chỉ carbon là chứng nhận có thể giao dịch thương mại và thể hiện quyền phát thải một lượng khí CO2 hoặc một lượng khí thải nhà kính khác quy đổi sang CO2 tương đương. Mỗi tín chỉ carbon tương đương với 1 tấn CO2” - ông Võ Nguyễn Trường An, Phó tổng Giám đốc Công ty CP Sàn giao dịch Tín chỉ carbon ASEAN – CCTPA phát biểu tại Tọa đàm “Tín chỉ carbon - Chìa khóa chuyển đổi sang một thế giới phát thải ròng bằng 0”. 

Thị trường tín chỉ carbon được thông qua năm 1997, bắt nguồn từ Nghị định thư Kyoto của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu. Theo đó, những tổ chức hoặc cá nhân có dư quyền phát thải có thể mua tín chỉ carbon để bù đắp lượng khí thải đã phát ra. Họ cũng có thể bán tín chỉ carbon nếu giảm phát thải dưới mức đã cam kết. Từ đó, tín chỉ carbon trở thành loại hàng hóa mới và các giao dịch tín chỉ carbon được gọi là mua bán, trao đổi carbon, hình thành thị trường tín chỉ carbon.

1 tín chỉ carbon tương đương với 1 tấn CO2

 

Thị trường tín chỉ carbon hoạt động như thế nào?

Thị trường tín chỉ carbon có thể được chia thành hai loại:

  • Thị trường tín chỉ carbon bắt buộc (mandatory carbon market): Được tạo ra bởi chính phủ hoặc cơ quan quản lý. Hoạt động dựa trên Công ước khung Liên Hợp Quốc về Biến đổi Khí hậu (UNFCCC) hoặc các quy ước khác như EU ETS, California Cap-and-Trade Program. 
  • Thị trường tín chỉ carbon tự nguyện (voluntary carbon market): Được điều hành bởi các tổ chức phi chính phủ hoặc tư nhân, cho phép các công ty hoặc cá nhân tự nguyện mua tín chỉ carbon để bù đắp lượng phát thải của họ. Thị trường này hoạt động dựa trên cơ sở hợp tác song phương hoặc đa phương giữa các bên.

Cơ chế hoạt động của thị trường tín chỉ carbon:

  • Xác định giới hạn phát thải: Một cơ quan quản lý hoặc tổ chức sẽ xác định mức phát thải tối đa cho phép trong một khu vực hoặc ngành cụ thể.  Việc xác định này được thực hiện dựa trên các tiêu chuẩn quốc tế như ISO 14064-1. Ví dụ: EU ETS giới hạn tổng lượng phát thải khí nhà kính của hơn 10.000 nhà máy thuộc các ngành công nghiệp năng lượng, sản xuất, hàng không,...
  • Phân bổ tín chỉ carbon: Các công ty hoặc cá nhân nhận được tín chỉ carbon dựa trên lượng phát thải của họ. Hiện nay, việc phân bổ tín chỉ carbon dựa trên 3 hình thức gồm: phân bổ miễn phí, đấu giá và kết hợp cả hai phương pháp trên.
  • Giao dịch tín chỉ carbon: Các công ty có thể mua hoặc bán tín chỉ carbon trên thị trường để đạt được mục tiêu phát thải của họ. Ví dụ: Một công ty A phát thải 8000 tấn CO2 mỗi năm, ít hơn giới hạn 10000 tấn CO2 được phép, công ty A có thể bán 2000 tín chỉ carbon còn lại cho các công ty khác.
  • Kiểm soát và giám sát: Các cơ quan quản lý hoặc tổ chức giám sát việc giao dịch và sử dụng tín chỉ carbon để đảm bảo tính minh bạch và hiệu quả của thị trường.

Thị trường tín chỉ carbon hoạt động dựa trên mục tiêu khuyến khích các tổ chức tìm kiếm biện pháp giảm phát thải hiệu quả hơn và thúc đẩy đầu tư vào công nghệ xanh. Khi bắt đầu, tổ chức có thể sở hữu giấy phép phát thải bằng cách đấu giá hoặc được cấp miễn phí. Theo thời gian, số lượng giấy phép trên thị trường ngày càng giảm, tạo áp lực thúc đẩy các doanh nghiệp giảm lượng khí thải và đầu tư vào các giải pháp sản xuất sạch hơn.

Mô hình hoạt động của thị trường tín chỉ carbon

 

Lợi ích của thị trường tín chỉ carbon

Tín chỉ carbon mang lại nhiều lợi ích cho các bên tham gia, bao gồm:

Đối với doanh nghiệp/tổ chức:

  • Cho phép các công ty tự lựa chọn cách tiếp cận linh hoạt, phù hợp nhất để giảm phát thải.
  • Tạo cơ hội kinh doanh mới thông qua việc phát triển các dự án giảm phát thải.
  • Góp phần cải thiện hình ảnh và uy tín bằng cam kết bảo vệ môi trường.

Đối với quốc gia:

  • Tạo động lực và nguồn tài chính cho các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu.
  • Thúc đẩy sự chuyển dịch sang nền kinh tế carbon thấp, xanh và bền vững.

Đối với xã hội:

  • Góp phần cải thiện chất lượng môi trường, bảo vệ hệ sinh thái và ứng phó với biến đổi khí hậu.
  • Tạo thêm nhiều cơ hội việc làm liên quan đến lĩnh vực carbon và môi trường.
  • Hướng tới phát triển bền vững, cải thiện sức khỏe và điều kiện sống của người dân.

Như vậy, tín chỉ carbon mang lại lợi ích đa chiều, giúp thúc đẩy các bên tham gia cùng góp phần ứng phó với thách thức biến đổi khí hậu.

Tín chỉ carbon giúp cải thiện sức khỏe và điều kiện sống của người dân

 

Tiềm năng phát triển của thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam

Thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển, điều này thể hiện rõ ở chính sách và điều kiện thiên nhiên thuận lợi:

Nền tảng chính sách và pháp lý:

  • Năm 2021, trong khuôn khổ Hội nghị Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26), Việt Nam cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
  • Việt Nam ban hành Luật Bảo vệ Môi trường và các chính sách khuyến khích giảm phát thải khí nhà kính.

Điều kiện thiên nhiên thuận lợi:

  • Việt Nam có nguồn năng lượng tự nhiên phong phú: năng lượng mặt trời, năng lượng gió, năng lượng nước,...
  • Việt Nam có nền nông nghiệp và lâm nghiệp phát triển: Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến năm 2023, tổng diện tích rừng của Việt Nam ước tính khoảng 14.860.309 ha. Đầu năm nay, dự án trồng rừng tại Quảng Trị được cấp tín chỉ carbon theo tiêu chuẩn VCS. Đây là minh chứng cho tiềm năng to lớn của lĩnh vực nông lâm nghiệp Việt Nam trong việc tạo ra tín chỉ carbon trong tương lai.

Tuy nhiên, thị trường tín chỉ carbon Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn phát triển sơ khai và cần tiếp tục hoàn thiện các khía cạnh:

  • Tăng cường năng lực, kinh nghiệm cho các bên tham gia
  • Hoàn thiện pháp lý và cơ chế quản lý
  • Nâng cao nhận thức và thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp

Việt Nam có lợi thế về ngành nông lâm nghiệp

 

Thị trường tín chỉ carbon là một công cụ quan trọng để thúc đẩy việc giảm phát thải khí nhà kính. Tại Việt Nam, thị trường tín chỉ carbon có tiềm năng phát triển lớn. Tuy nhiên, cần có sự nỗ lực của chính phủ, doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế để vượt qua các thách thức để biến những tiềm năng hiện có thành đòn bẩy, vững mạnh tiến tới mục tiêu mức phát thải bằng 0.

Lượt xem

224

Chia sẻ

  • facebook
  • youtube
  • phone