Quy Trình Chăm Sóc Sầu Riêng Nghịch Vụ Khu Vực ĐBSCL

03 Jul 2024

Tại các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long có hai mùa sầu riêng đó là chính vụ và nghịch vụ. Trong đó, sầu riêng nghịch vụ thường bắt đầu xử lý ra hoa từ tháng 4 đến tháng 8 âm lịch hàng năm. Đồng thời, đây cũng là thời điểm vào mùa mưa. Chính vì thế, để có thể tạo ra những trái sầu riêng thơm ngon, cho năng suất cao thì đòi hỏi bà con nông dân cần phải có kiến thức và kinh nghiệm trong trồng trọt. Hiểu được điều đó, Baconco luôn đồng hành cùng bà con trong việc tìm ra những giải pháp phù hợp trong việc chăm sóc sầu riêng nghịch vụ.

 

Đặc điểm của sầu riêng nghịch vụ

Ưu điểm

Sầu riêng nghịch vụ được xử lý ra hoa và thu hoạch trái vụ so với vụ mùa tự nhiên. Tại Đồng bằng Sông Cửu Long vụ thuận thu hoạch  từ tháng 4 đến tháng 6, sầu riêng nghịch vụ thường thu hoạch từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau với những ưu điểm như:

  • Giá trị kinh tế cao: Do khan hiếm nguồn cung, sầu riêng nghịch vụ thường có giá trị kinh tế cao hơn so với sầu riêng chính vụ, mang lại lợi nhuận cho người nông dân.
  • Chất lượng trái ngon: Sầu riêng nghịch vụ được chăm sóc tốt có mùi vị không thua kém vụ thuận.
  • Chu kỳ thu hoạch ngắn: Sầu riêng nghịch vụ có thời gian sinh trưởng và phát triển ngắn hơn, giúp cho người nông dân được thu hoạch sớm.

Sầu riêng nghịch vụ có giá trị kinh tế cao

Nhược điểm

Bên cạnh những ưu điểm trên thì quá trình trồng sầu riêng nghịch vụ cũng có một số nhược điểm như:

  • Khó khăn trong kỹ thuật trồng: Sầu riêng nghịch vụ đòi hỏi kỹ thuật trồng và chăm sóc chuyên nghiệp, áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến để cây có thể thích nghi với điều kiện thời tiết.
  • Rủi ro cao: Do thời tiết thất thường, sầu riêng nghịch vụ dễ bị ảnh hưởng bởi sâu bệnh, mưa bão, dẫn đến năng suất thấp và chất lượng trái không ổn định.
  • Yêu cầu đầu tư cao: Việc trồng sầu riêng nghịch vụ cũng đòi hỏi người nông dân phải bỏ ra chi phí đầu tư cao hơn so với sầu riêng chính vụ, bao gồm chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hệ thống cấp thoát nước.

 

Cách xử lý sầu riêng nghịch vụ

Giai đoạn nuôi đọt

Sau khi thu hoạch, vườn sầu riêng cần được dọn dẹp sạch sẽ và phun thuốc trừ nấm bệnh bằng Mancoz  với liều lượng 300g/phuy 200 lít để phòng ngừa bệnh hại. Sau đó, giai đoạn nuôi đọt sẽ được bắt đầu bằng việc bón phân hữu cơ Anima hoặc phân Organiconco với liều lượng từ 3 - 5kg cho mỗi cây. Sau khoảng 5 ngày, bạn có thể tiếp tục bón thêm phân NPK Con Cò 20-10-10+6S+0,045B Baseo hoặc NPK Con Cò 20-15-10+4,2Ca+3S với liều lượng 0,5- 1,2kg mỗi cây để cung cấp đầy đủ dưỡng chất, giúp cây phát triển đọt mới. Để tạo ra nhiều đọt, bạn nên tiến hành tạo 2 - 3 cơi đọt, giúp cho cây sầu riêng khỏe mạnh cho ra nhiều hoa trái hơn trong vụ sau.

Giai đoạn làm gốc nghịch vụ( Cây trên 5 tuổi)

Trong giai đoạn làm gốc nghịch vụ, bạn có thể thực hiện bằng một trong hai cách sau:

  • Cách thứ nhất, bón 3kg lân bột (P:16%) cho mỗi cây sầu riêng khi đọt đủ sức, lá non chuyển thành màu xanh đậm. Sau đó, tưới từ 3 - 4 lần để phân tan đều. Sau khoảng 5 ngày, tiếp tục bón khoảng 1,2kg phân NPK Con Cò 15-15-15+9S+0,05B cho mỗi cây sầu riêng. Bạn cũng nên tiến hành tưới từ 3 - 4 lần cho phân tan. Đồng thời, phun thêm  Cofoli PK500 liều 200ml và Cofoli K300 với liều lượng 200ml/phuy 200 lít để hỗ trợ tạo mầm.
  • Hoặc bạn cũng có thể thực hiện bằng cách sau: Khi cơi đọt 3 lụa ta bón 1-1,2kg DAP tưới nước cho tan phân. Mười ngày sau bón 1Kg NPK Con Cò 15-15-15+9S+0,05B . Sau 1 tuần ta bón 0,3Kg Kali Sunphat/ cây. Kết hợp phun Cofoli PK500 và Cofoli K300 với liều lượng 200ml/phuy 200 lít để tạo mầm cho cây.

Sau khi bón phân, thực hiện đậy mủ nilon. Nên cắt bọc, để cho đất khô 3 ngày rồi tiếp tục phun Co-Paclo 15WP liều lượng 1kg/phuy 200 lít phun phủ thân lá. Một tuần sau, bạn hãy tiến hành tỉa chèo trong thân để kích thích mầm ra hoa (cây sẽ ra hoa sau 20 - 45 ngày đậy mủ lúc có thời tiết tốt). Đồng thời, trong thời gian đậy mủ, nếu thời tiết mưa nhiều, bạn nên phun thêm tạo mầm Cofoli PK500 200ml và Cofoli K300 với liều lượng 200ml/phuy 200 lít để hỗ trợ cây ra hoa.

Đậy mủ nilon cho sầu riêng

Giai đoạn nuôi trái non

Khi mắt cua sầu riêng đã ra đều, bạn hãy xã mủ nilon, cho nước vào mương và tưới nước bình thường. Để hỗ trợ ra hoa và ngừa bệnh thán thư, có thể phun Cofoli Amino và The Rice Star, liều lượng 200 ml/phuy 200 lít. Trong điều kiện mưa bão hoặc thời tiết bất lợi, bạn hãy phun thường xuyên để ngừa bệnh, luân phiên giữa The Rice Star và Super Amor liều lượng 200g/phuy 200 lít.

Để thúc mắt cua ra hoa đồng loạt, bón 3 - 4kg phân Hữu Cơ Anima hoặc Organiconco mỗi cây. Sau 5 ngày, bón thêm 1,2kg NPK Con Cò 15-15-15+9S+0,05B mỗi cây để hoa ra đồng loạt và tạo cơi đọt mới.

Với sầu riêng Ri6, bạn hãy chọn 4-5 chùm bông/nhánh, cách thân chính 50cm. Còn với giống Monthong, chọn bông 5-7 chùm và bón bổ sung thêm phân Kali để kiểm soát đọt. Trước khi xổ nhụy 10 ngày, tiến hành phun 150 - 200 g/phuy 200 lít Super Amor.

  • Với sầu riêng Ri6, bón 0,5 - 1kg NPK Con Cò 12-11-18+1,4Ca+5S+0,1Zn+0,1B hoặc NPK Con Cò 15-15-15+9S+0,05B mỗi cây. Phun Cofoli Bor và Cofoli Amino, mỗi loại 200ml/phuy 200 lít hoặc tưới KaliBo 200g mỗi cây để hỗ trợ đậu trái.
  • Với sầu riêng Monthong, bón 0,5 - 1kg NPK Con Cò 7-7-14+12S+7Ca+0,045B hoặc NPK Con Cò 12-11-18+1,4Ca+5S+0,1Zn+0,1B hoặc 12-12-17+5S+0,05B mỗi cây. Đồng thời,  phun Cofoli Bor và Cofoli Amino hoặc tưới KaliBo 200g mỗi cây để hỗ trợ đậu trái.

Sau khi xổ nhụy, tiếp tục phun Paclobutrazol 25SC 30cc và The Rice Star 200ml/phuy 200 lít để hỗ trợ đậu trái và ngừa bệnh thán thư.

Sầu riêng ở giai đoạn trái non

Giai đoạn nuôi trái lớn

Khi trái sầu riêng bằng cổ tay, bạn hãy bón 3 - 4kg phân Hữu Cơ Anima hoặc Organiconco cho mỗi cây. Sau 5 ngày, tiếp tục bón phân NPK theo từng loại giống:

  • Giống Ri6: Bón 0,6kg NPK Con Cò 16-16-8+13S+0,1Zn+0,05B hoặc NPK Con Cò 15-15-15+9S+0,05B hoặc NPK Con Cò 12-11-18+1,4Ca+5S+0,1Zn+0,1B.
  • Giống Monthong: Sử dụng 0,6kg NPK Con Cò 12-12-17+5S+0,05B hoặc NPK Con Cò 7-7-14+12S+7Ca+0,045B hoặc NPK Con Cò 12-11-18+1,4Ca+5S+0,1Zn+0,1B.

Liều lượng bón phân NPK sẽ tăng dần theo độ lớn của trái. Để hiệu quả nhất, bạn nên chia thành nhiều lần bón (từ 10 - 15 ngày cho mỗi lần bón) để cây hấp thu dưỡng chất tốt nhất. Cụ thể như sau:

  • Lần 1: 0,6kg
  • Lần 2: 0,7kg
  • Lần 3: 0,8Kg
  • Lần 4: 0,9kg
  • Lần 5: 1,kg  
  • Lần 6 (trái 75 - 80 ngày) là lần cắt phân chuẩn bị thu hoạch nên bà con hãy sử dụng 1kg NPK Con Cò 15-15-15+9S+0,05B hoặc NPK Con Cò 15-9-20+0,15Zn+0,1B2O2 hoặc NPK Con Cò 7-7-14+12S+7Ca+0,045B để tăng độ vàng của cơm sầu riêng. Ngoài ra, đừng quên phun thêm Cofoli K300 để làm tăng chất lượng trái và cải thiện màu sắc cơm sầu riêng.

Trái sầu riêng khi lớn

 

Một số lưu ý khi xử lý sầu riêng nghịch vụ

Để sản xuất sầu riêng nghịch vụ thành công, ngoài những kiến thức cơ bản, kinh nghiệm thực tế thì còn có những yếu tố khác rất quan trọng, đòi hỏi người nông dân cần phải lưu ý như:

Xác định đúng thời điểm thu hoạch

Khi thu hoạch sầu riêng, việc xác định thời điểm đúng là rất quan trọng. Cần chú ý đến giai đoạn tạo cơi, đặc biệt trong điều kiện thời tiết biến đổi:

  • Quan sát cẩn thận sự phát triển của cây sầu riêng.
  • Kiểm tra cành, lá, và mầm để nhận biết khi nào cây bắt đầu tạo cơi.
  • Theo dõi dự báo thời tiết để thích ứng khi cần thiết.

Thực hiện tốt quy trình kỹ thuật

Thực hiện tốt quy trình kỹ thuật xử lý sầu riêng kết hợp với việc áp dụng bón phân phù hợp là yếu tố then chốt trong việc tạo ra một mùa vụ sầu riêng thành công. Bón phân đúng cách không chỉ cung cấp dinh dưỡng cần thiết cho cây mà còn giúp cải thiện chất lượng và năng suất của trái, đồng thời giảm nguy cơ mắc bệnh.

Yếu tố thời tiết

Thời tiết đóng vai trò chính trong sản xuất sầu riêng nghịch vụ. Vậy nên, nếu bạn không dự đoán chính xác sẽ ảnh hưởng đến quá trình ra hoa và đậu trái. Thông thường, sầu riêng ra hoa tốt nhất là khi thời tiết se lạnh vào buổi sáng sớm, gió thông ngọn và đặc biệt là không có mưa đêm ngay thời điểm nhú mắt cua. Do là nghịch vụ nên yếu tố thời tiết có thể bất lợi. Mắc dù vậy, vẫn có những thời điểm thuận lợi nhưng thường không kéo dài và không cố định. Vậy nên bà con cần có sự tính toán kỹ lưỡng trong quá trình chăm sóc cơi đọt, xử lý và điều khiển ra hoa.

Mưa đêm có thể làm đen mắt cua và ảnh hưởng đến quá trình đậu trái của cây khi nở hoa, cũng như tạo điều kiện cho vi khuẩn và nấm phát triển gây bệnh. Để đối phó, điều quan trọng là bạn phải dự đoán thời tiết thuận lợi cho cây ra hoa và chuẩn bị công tác phòng bệnh bằng thuốc ngừa bệnh trước khi mưa. Trong trường hợp hoa nở gặp mưa đêm, việc sử dụng túi nilon để bảo vệ cành hoa và bơm cạn nước từ mương vườn là biện pháp khả thi.

Mưa nhiều có khiến cành sầu riêng bị gãy

Xử lý trái non bị rụng

Để xử lý việc rụng trái non hàng loạt, bạn có thể thúc cây ra đọt sau khi cây lên mắt cua. Nếu cây không ra đọt, bông to khỏe thì không cần phải tỉa bớt hoa trong giai đoạn nuôi hoa và đậu trái. Sau khi trái đã đậu, bạn có thể tiến hành tỉa bớt trái.


Quy trình xử lý sầu riêng nghịch vụ sẽ có nhiều công đoạn và cần có sự kiên trì. Do đó, nhà nông cần phải xác định thời điểm thu hoạch để có giá cao, hạn chế việc cung vượt cầu. Nhà nông cũng cần tính toán xây dựng quy trình phù hợp để công tác làm hoa nghịch vụ sầu riêng diễn ra thuận lợi và mang lại năng suất cao nhất.

Lượt xem

456

Chia sẻ

  • facebook
  • youtube
  • phone