Kinh Nghiệm Phòng Trừ Bệnh Đạo Ôn Ở Cây Lúa

30 Jul 2024

Nếu không được phát hiện và phòng trừ kịp thời, bệnh đạo ôn có thể gây thiệt hại nặng nề đến năng suất lúa. Trong bài viết sau đây, bà con hãy cùng Baconco tìm hiểu về loại bệnh này và cách quản lý, phòng ngừa hiệu quả.

 

Dấu hiệu cây lúa mắc bệnh đạo ôn

Các dấu hiệu cây lúa bị bệnh đạo ôn xuất hiện rõ nhất ở trên lá, cổ bông, đốt thân và hạt:

  • Trên lá lúa: Xuất hiện những đốm nhỏ màu xanh xám nhạt. Vết bệnh lớn dần thành hình thoi, phần giữa rộng có màu xám tro, xung quanh có màu nâu đậm, phần rìa ngoài cùng có màu nâu nhạt. Nếu không được can thiệp kịp thời, các vết bệnh sẽ trở nặng, nối liền nhau làm cho lá cháy
  • Trên đốt thân: Vết bệnh màu nâu bao quanh đốt thân làm đốt khô, teo lại rồi mục ra, khiến cây lúa gãy đổ
  • Trên cổ bông: Vết bệnh ban đầu là một chấm nhỏ màu đen ở cổ giáp tai lá. Về sau, vết bệnh lớn dần làm cổ bông héo, bông lúa trắng hoặc lép lửng
  • Trên hạt: Nấm phát triển ở vỏ trấu và có thể ở bên trong hạt, hình thành vết bệnh màu nâu xám bất quy tắc

Những vết bệnh đạo ôn xuất hiện trên lá

 

Nguyên nhân lúa mắc bệnh đạo ôn

Bệnh đạo ôn lúa do nấm Pyricularia oryzae Carava gây ra. Thông thường, nấm tồn tại trên xác cây trồng, cỏ dại,… ở dạng sợi nấm, bào tử. Khi gặp điều kiện thời tiết thuận lợi, nấm sẽ xâm nhập vào cây lúa và phát tán bệnh nhờ gió.

Nấm Pyricularia oryzae Carava tiết ra axit - picolinic và pyricularin. Chúng có tác dụng kìm hãm hô hấp và phân hủy các enzyme, khiến cây lúa rất khó phục hồi nếu bị nhiễm bệnh nặng.

Bệnh đạo ôn phụ thuộc nhiều vào yếu tố ngoại cảnh như sau:

  • Điều kiện thời tiết: Bệnh phát triển thuận lợi và gây hại nặng khi trời mát, gió nhẹ, độ ẩm không khí cao, biên độ nhiệt giữa ngày và đêm lớn, mưa thường xuyên kéo dài
  • Điều kiện dinh dưỡng: Dinh dưỡng thiếu cân đối giữa đạm - lân - kali thường khiến bệnh đạo ôn phát triển (ruộng bón thừa đạm thường dễ bị nhiễm đạo ôn hơn)
  • Giống lúa: Lúa nhiễm nấm bệnh có thể vô tình được sử dụng làm giống, khiến cho đồng ruộng có nguy cơ nhiễm bệnh cao. Tuy hiện nay Việt Nam có nhiều giống lúa chống bệnh, nhưng mức độ chống bệnh của các giống vẫn chịu ảnh hưởng từ điều kiện thời tiết, đất đai và kỹ thuật canh tác
  • Nguồn bệnh: Nấm bệnh lưu tồn trong rơm rạ, cỏ dại, hạt giống,… là nguồn bệnh lây lan qua vụ sau. Ngoài ra, bào tử nấm bệnh đạo ôn cũng dễ dàng phát tán trong không khí, khi gặp điều kiện thích hợp sẽ phát sinh và gây hại.

Trời mưa thường xuyên kéo dài, độ ẩm cao tăng khả năng mắc bệnh đạo ôn ở cây lúa

 

Bệnh đạo ôn trên lúa gây ra những hậu quả gì?

Bệnh đạo ôn có thể gây ra những hậu quả nặng nề như sau:

  • Giảm năng suất và chất lượng lúa: Bệnh gây cháy lá, gãy đổ, khiến cây lúa còi cọc, không trổ bông hoặc trổ bông lép, giảm năng suất đáng kể. Nếu bà con nông dân không phát hiện sớm và phòng trị kịp thời, bệnh có thể trở nặng và gây thiệt hại hoàn toàn về năng suất lúa.
  • Ảnh hưởng đến thu nhập nông dân: Bệnh đạo ôn làm giảm năng suất lúa, từ đó giảm thu nhập của nông dân, ảnh hưởng đến đời sống của họ. 
  • Tăng chi phí sản xuất: Bà con phải sử dụng nhiều thuốc trừ bệnh, phân bón để phòng chống nấm bệnh, dẫn đến tăng chi phí sản xuất.
  • Ảnh hưởng đến thị trường gạo: Bệnh đạo ôn làm giảm sản lượng gạo, dẫn đến giá gạo biến động, ảnh hưởng đến thị trường gạo trong nước và quốc tế.

 

 

Phương pháp quản lý bệnh đạo ôn lúa

Nấm Pyricularia oryzae Carava dễ phát triển có thể gây hại nhanh trên diện rộng. Vì vậy, khi phát hiện bệnh,  bà con cần đặc biệt lưu ý:

  • Ngừng bón tất cả các loại phân, đồng thời điều chỉnh mực nước hợp lý tùy theo nhu cầu của cây lúa, không để ruộng khô hạn
  • Sử dụng sản phẩm CO-TRICY đặc trị bệnh đạo ôn như sau: 
    • Liều dùng: 18 gr/ 25 lít (phun 2 bình/1.000m2)
    • Đối với bệnh đạo ôn cổ bông: khi ruộng bắt đầu trổ bông, cần tiến hành phun thuốc như sau: Lần 1: trước trổ 7 ngày, Lần 2: sau khi trổ 7 ngày
  • Sau khi phun thuốc, bà con cần chắc chắn bệnh đã ngừng phát triển (lá mới ra không bị nhiễm bệnh) mới được bón phân. Bà con điều chỉnh dinh dưỡng cây lúa sao cho hạn chế lượng đạm và tăng cường phân kali để giúp cây chắc khỏe, tăng sức chống chịu bệnh

Người dân phun thuốc trừ bệnh đạo ôn

 

Cách phòng ngừa bệnh đạo ôn trên lúa

Bệnh đạo ôn là loại bệnh gây hại nghiêm trọng, có tốc độ phát tán nhanh. Vì vậy để phòng trừ hiệu quả, bà con cần áp dụng nhiều biện pháp phòng trừ cùng lúc như sau: 

  • Cần thăm đồng thường xuyên để phát hiện bệnh sớm nhất có thể
  • Dọn sạch đồng ruộng bằng cách thu gom tàn dư rơm rạ và cỏ dại mang mầm bệnh trên đồng ruộng
  • Gieo cấy các giống kháng hoặc chống chịu với bệnh đạo ôn trong vùng thường xảy ra bệnh và mức gây hại cao .
  • Hạt giống cần được kiểm tra và xử lý trước khi gieo sạ như: ngâm nước nóng, ngâm thuốc bảo vệ thực vật,...
  • Mật độ gieo, cấy vừa phải
  • Bón phân với tỉ lệ cân đối giữa phân chuồng và N:P:K, bón tập trung nặng đầu, nhẹ cuối

Người dân nên thực hiện gieo cấy lúa với mật độ vừa phải để phòng tránh nấm bệnh


Mong rằng bài viết trên từ Baconco đã giúp bà con có thêm những kiến thức hữu ích để quản lý bệnh đạo ôn trên cây lúa. Trước tình hình thời tiết phức tạp, bà con nên ưu tiên sử dụng các phương pháp phòng ngừa mầm bệnh, đồng thời nhanh chóng xử lý mầm bệnh được phát hiện theo “nguyên tắc 4 đúng”: đúng thuốc, đúng lúc, đúng liều lượng và đúng cách.

Lượt xem

435

Chia sẻ

  • facebook
  • youtube
  • phone